Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Tự lực cánh sinh dựa vào sức mạnh là chính; nhằm đảm bảo đủ no, đủ ấm cho toàn dân, đủ nuôi cán bộ, bộ đội ăn no, đánh thắng kẻ thù”. Đồng thời Bác chỉ dẫn: “Phải khéo tính toán chi tiêu tiền bạc cho hợp lý, đó là một nghệ thuật quan trọng, nghệ thuật ấy không phải là dễ, …”.
Trong thời chiến phải tự lực cánh sinh, đủ no, đủ ấm để đánh thắng kẻ thù. Trong thời bình phải tự xây dựng được nguồn lực từ chính nội lực, phải cân đối nguồn lực, xác định mục tiêu, xây dựng kế hoạch, chương trình thực hiện đảm bảo đúng chủ trương, định hướng, phù hợp với quy mô của nền kinh tế và điều kiện thực tế của của địa phương để phát triển kinh tế - xã hội, tạo bước đột phá thực chất và hiệu quả.
Với tư tưởng đó, Sở Tài chính đã chủ động tham mưu UBND tỉnh đặt ra mục tiêu Thu NSNN trên địa bàn tới năm 2025 đạt trên 5.300 tỷ đồng, phấn đấu trong tổng chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025, tỷ trọng chi đầu tư phát triển ổn định hơn giai đoạn trước và chiếm khoảng 30-35%, tỷ trọng chi thường xuyên chiếm khoảng 65-70%. Đồng thời giải pháp “Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả tài sản và các nguồn lực của Nhà nước; huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên cho các khâu đột phá, các nhiệm vụ trọng tâm, các chương trình trọng điểm, các chương trình, dự án thực hiện Nghị quyết Đại hội” đã được xây dựng và là một trong những giải pháp quan trọng, tiên quyết mà Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII đã đề ra để thực hiện trong giai đoạn 2020-2025. Qua hơn 4 năm thực hiện mục tiêu, giải pháp, thu NSNN hằng năm cơ bản hoàn thành dự toán giao, kết quả năm sau luôn cao hơn năm trước, đồng thời ưu tiên hàng đầu của ngân sách tỉnh bên cạnh thực hiện các chính sách, chế độ cho con người, đảm bảo an sinh xã hội đó là thực hiện 3 khâu đột phá, các nhiệm vụ trọng tâm, chương trình trọng điểm, các chương trình, dự án thực hiện Nghị quyết Đại hội XVII đã mang lại những kết quả tích cực.
Nghệ thuật tự lực cánh sinh và chi tiêu tiền bạc của Chủ tịch Hồ Chí minh được Sở Tài chính vận dụng, phát triển cùng với việc thực hiện các quy định của pháp luật về Ngân sách nhà nước gắn với phân cấp, phân kỳ và ưu tiên, tính toán trong tham mưu thực hiện từng nhiệm vụ, thực hiện hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Có thể nói nghệ thuật chi tiêu tiền bạc sẽ mãi còn nguyên giá trị trong công tác quản lý tài chính ngân sách.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Muốn chống được thù trong giặc ngoài, bảo vệ nền độc lập - tự do thật sự cho đất nước phải xây dựng nền tài chính nước ta dồi dào, trên cơ sở tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, phát triển sản xuất với phương châm dựa vào dân, lấy dân làm gốc”.
Trong công tác tổ chức quản lý tài chính, quan điểm cơ bản của Bác là: “Tài chính là phải thống nhất và phải nắm vững nguyên tắc thống nhất quản lý tài chính, quy định chặt chẽ kỷ luật thu - chi. Bác chỉ rõ: trong công cuộc xây dựng nước nhà việc quản lý kinh tế - tài chính là cực kỳ quan trọng. Nếu quản lý không chặt chẽ thì cái gì thiếu không biết, cái gì thừa không hay, công việc sẽ bị bế tắc, nên phải tăng cường và củng cố việc quản lý sản xuất, quản lý vật tư kỹ thuật, quản lý lao động và quản lý tiền bạc”.
Vận dụng tư tưởng, đạo đức, phong cách của chủ tịch Hồ Chí Minh trong điều hành, quản lý tài chính ngân sách, những năm qua, Sở Tài chính tỉnh Tuyên Quang tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ và có hiệu quả các quy định của Trung ương, của các bộ, ngành liên quan đến lĩnh vực tài chính - NSNN. Thực hiện tốt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách trong lĩnh vực tài chính - NSNN theo phân cấp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về kỷ cương, kỷ luật tài chính, trong đó luôn gắn với yêu cầu về cơ cấu lại ngân sách, đổi mới khu vực sự nghiệp công lập, tinh gọn bộ máy hành chính hiệu lực, hiệu quả; tăng cường công khai, minh bạch, kỷ luật, kỷ cương trong công tác quản lý tài chính, ngân sách; điều hành, quản lý chi ngân sách địa phương chặt chẽ, tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước và hướng tới phát triển bền vững.
Bác thường căn dặn cán bộ: “Đã tích lũy được vốn, phải biết quản lý đồng vốn, phải biết sử dụng đồng tiền, phải biết tiết kiệm chi tiêu để làm tăng thêm của cải cho xã hội. Cần phải dùng nhiều phương pháp để giữ gìn cho tiền bạc của chúng ta khỏi lãng phí, bị phân tán, bị dùng vào việc ngoài công việc xây dựng cơ bản”.
Tư tưởng của Người cũng chính là quan điểm tham mưu xuyên suốt của Sở Tài chính tỉnh Tuyên Quang về cơ cấu chi NSNN. Với chủ trương, chính sách của Trung ương có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực, toàn diện về quy mô, cơ cấu và tỷ trọng chi NSNN. Công tác quản lý chi và cơ cấu chi NSĐP đã có những chuyển biến căn bản, hỗ trợ tích cực trong việc thực hiện các chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là các dự án đầu tư trọng điểm, quan trọng của tỉnh.
Trong thư gửi cán bộ tài chính năm 1952 Bác viết: “Cán bộ kinh tế tài chính phụ trách nhiều tiền của, mà chưa hoàn toàn thông thạo việc quản lý tiền của ấy. Cho nên chúng ta cần phải ra sức học tập quản lý tài sản quốc gia mà ngành mình phụ trách. Đồng thời phải trau dồi đạo đức cách mệnh: chí công vô tư, cần kiệm liêm chính. Một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, phụng sự kháng chiến. Dùng cách thật thà tự phê bình và phê bình, để tẩy trừ những thói tham ô lãng phí và bệnh quan liêu, để cùng nhau tiến bộ”.
Khắc ghi lời dạy của Người, với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, năng động, sáng tạo, tích cực, có lộ trình phù hợp, cán bộ, công chức, người lao động Sở Tài chính đã, đang và sẽ thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ về tài chính ngân sách theo chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần triển khai những quyết nghị về phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Tuyên Quang thành những kết quả sinh động trong thực tế.
Bài: Ơ rê ni (Nguồn thông tin tại bài viết sưu tầm trên mạng internet)