THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN
Cập nhật lúc Thứ Tư, ngày 28 tháng 8 năm 2024 - 23:02 (GMT+7)
79 năm ngành Tài chính Việt Nam – những cột mốc, dấu ấn của giai đoạn 1945-1975 với sự nghiệp giải phóng dân tộc

Ngày 28/8/1945, Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra tuyên cáo về việc thành lập Chính phủ với 13 thành viên; trong đó, đồng chí Phạm Văn Đồng được chỉ định làm Bộ trưởng Bộ Tài chính, đánh dấu sự ra đời của ngành Tài chính cách mạng Việt Nam.

Chính sách tài chính được Chính phủ ban hành đầu tiên là thành lập “Quỹ Độc lập” theo Quốc lệnh số 04 ngày 04/9/1945 của Chủ tịch Chính phủ Lâm thời, với tinh thần “lấy dân làm gốc”- dựa vào dân và vì lợi ích của nhân dân, Quỹ được thành lập để thu nhận các món tiền và đồ vật mà nhân dân sẵn lòng quyên giúp Chính phủ để ủng hộ nền độc lập của Quốc gia.

Trong khuôn khổ của “Quỹ Độc lập”, để nhanh chóng động viên nguồn lực từ nhân dân, phong trào “Tuần lễ Vàng” được phát động. Thực tế lịch sử cho thấy, “Tuần Lễ Vàng” đã thu được nhiều kết quả to lớn, chỉ trong 1 tuần, từ ngày 17-24/9/1945, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân trên cả ba miền Bắc, Trung, Nam đã ủng hộ cho “Quỹ Độc Lập” khoảng 20 triệu đồng và số vàng thu được trong “Tuần lễ Vàng” khoảng 370kg. Kết quả mang lại không chỉ có ý nghĩa to lớn về tài chính mà còn mang ý nghĩa chính trị sâu sắc, đây là tiền đề tài chính quan trọng giúp Đảng và Chính quyền cách mạng tháo gỡ khó khăn, tạo thế và lực để giải quyết từng bước các nhiệm vụ cách mạng tiếp theo.

Ngày 03/11/1946, Quốc Hội khóa I đã biểu quyết cho lưu hành Giấy bạc Tài chính Việt Nam trong địa bàn cả nước. Công cuộc tổ chức in ấn bí mật, phát hành thành công Giấy bạc Tài chính Việt Nam là một chủ trương đúng đắn và sáng suốt của Đảng, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam trong thời kỳ đầu sau khi giành độc lập. Đây là thắng lợi to lớn trên mặt trận chính trị, giấy bạc Việt Nam còn là vũ khí sắc bén để đấu tranh trên mặt trận kinh tế - tài chính, góp phần quyết định trong việc đảm bảo cung cấp tài chính, hậu cần cho cuộc trường kỳ kháng chiến.

Sau chiến thắng Thu đông 1947, Nhà nước đã quy định hệ thống ngân sách gồm 2 cấp: Ngân sách nhà nước và Ngân sách xã. Chi thường xuyên của Ngân sách nhà nước chủ yếu là chi hành chính (nội chính; ngoại giao, tư pháp, quốc hội, bộ máy chính quyền các cấp...), chi kinh tế (canh nông, giao thông, thủy lợi) và chi văn hóa xã hội (giáo dục, y tế, thương binh, cứu tế...), sử dụng từ nguồn thu thuế, quyên góp, công trái,... Chi Quốc phòng chủ yếu dự vào phát hành giấy bạc. Chi Ngân sách xã chủ yếu từ nguồn quyên góp và một số khoản tài trợ của NSNN.

Tháng 4/1951, Ban Kinh tài Trung ương được thành lập, tại Hội nghị đầu tiên họp từ ngày 11 đến ngày 13/4/1951 đã thảo luận chế độ thuế mới. Giai đoạn 1945-1954 thực hiện thống nhất quản lý, thu chi tài chính, các khoản thu đều do Chính phủ quy định và tập trung, thống nhất quản lý để việc đóng góp của nhân dân được công bằng, hợp lý hơn, khả năng của công quỹ được dồi dào thêm, đồng thời Chính phủ thống nhất quản lý các khoản chi tiêu của Nhà nước cho đến cấp huyện, làm cho tiền của do nhân dân đóng góp được sử dụng một cách tiết kiệm, có trọng điểm, tập trung vào việc cung cấp cho tiền tuyến.

Giai đoạn 1955-1975 là giai đoạn ngành Tài chính với rất nhiều dấu mốc quan trọng, thực hiện chuyển hướng hoạt động từ phục vụ các yêu cầu của Cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) sang thời kỳ hòa bình và khôi phục kinh tế, trong đó nổi bật nhất là tiếp tục đổi mới hoàn thiện chính sách thuế, đổi mới cải tiến chế độ quản lý tài chính để tạo ra nguồn lực tài chính, phục vụ và đáp ứng kịp thời các yêu cầu của công cuộc khôi phục kinh tế sau chiến tranh, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao; cải cách tiền tệ bao gồm phát hành loại tiền mới, thu đổi tiền cũ và thay đổi đơn vị tiền tệ; cải tiến chế độ thu tài chính bằng việc thực hiện chế độ thu mới với kinh tế quốc doanh.

Năm 1961, Ban Kinh tài trung ương cục miền Nam được thành lập tại Chiến khu D, là cơ quan tham mưu cho Trung ương Cục trong lĩnh vực kinh tế - tài chính, cung cấp nguồn lực tài chính, cất giữ kho tàng phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Trong giai đoạn 1966-1975, nền tài chính Việt Nam được xây dựng và phát triển trong hòa bình và chiến tranh, nhiều chế độ, chính sách và phương thức hoạt động tài chính được Chính phủ cho phù hợp với thời chiến. Tháng 8/1967, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 118/CP về Điều lệ phân cấp quản lý tài chính cho các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương với nội dung là mỗi tỉnh, thành phố có ngân sách của mình do chính quyền địa phương xây dựng và quản lý.

Cùng với các đoàn quân tiến vào Sài Gòn trong ngày đại thắng mùa Xuân năm 1975, lực lượng cán bộ tài chính đã tiếp quản và tiến hành triển khai ngay các công việc thuộc lĩnh vực quản lý tài chính theo đúng chức năng nhiệm vụ của ngành được giao.

Đại thắng mùa Xuân 1975 mở ra một thời kỳ mới, mãi là niềm tự hào, thôi thúc mỗi con người Việt Nam phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững trong thời kỳ mới. Đây cũng là mốc son để bắt đầu các giai đoạn, thời kỳ, chiến lược phát triển của nền Tài chính Việt Nam - Tài chính từ thống nhất đất nước đến trước đổi mới (1976 - 1985); Tài chính thời kỳ đổi mới (1986 - 2000); Tài chính thời kỳ hiện đại hóa và hội nhập quốc tế (2001 - 2015); Tài chính thời kỳ đẩy mạnh cơ cấu lại NSNN và nợ công (2016 - 2020) và Chiến lược Tài chính đến năm 2030 với nền tài chính quốc gia phát triển bền vững, hiện đại và hội nhập.

Những trang sử vẻ vang của ngành Tài chính Việt Nam trong hành trình 79 năm xây dựng và phát triển luôn là niềm tự hào của người cán bộ Tài chính, các chủ trương, đường lối, chính sách về tài chính ngân sách của Trung ương do Bộ Tài chính tham mưu, ban hành và triển khai thực hiện ngày càng tích cực, toàn diện và sắc bén nhằm khơi thông nguồn lực, tạo động lực cho sự phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội đất nước.

Cùng với sự lớn mạnh của ngành Tài chính Việt Nam, cán bộ, công chức Sở Tài chính tỉnh Tuyên Quang luôn noi theo các thế hệ cán bộ tài chính đi trước, xác định phải nêu cao tinh thần đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực vì mục tiêu chung để đóng góp một phần nhỏ bé cùng với toàn ngành Tài chính hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, đồng thời chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp về tài chính ngân sách để góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận, Đồng chí Nguyễn Mạnh Tuấn – UB Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND t và các ngành chụp ảnh lưu niệm cùng cán bộ ngành Tài chính tỉnh Tuyên Quang

Công an tỉnh Tuyên Quang chúc mừng Sở Tài chính nhân kỷ niệm 79 năm ngành Tài chính Việt Nam

Các Đồng chí Lãnh đạo Văn phòng Bộ Tài chính, Cục Quản lý nợ, Công ty TNHH mua bán nợ Việt Nam và Sở Tài chính nhận hoa chúc mừng kỷ niệm 79 năm ngành Tài chính Việt Nam của Trường TH và THCS Lê Văn Hiến

Sở Kế hoạch và Đầu tư chúc mừng Sở Tài chính nhân kỷ niệm 79 năm ngành Tài chính Việt Nam

Bài: Ơ rê ni.


In
Về đầu
Hân hoan chào đón năm học mới 2024-2025 - Ngày đăng: 04/09/2024
Đoàn công tác Vụ Tài chính quốc phòng, an ninh đặc biệt Bộ Tài chính và Sở Tài chính tỉnh Tuyên Quang dâng hương tưởng nhớ Bác nhân kỷ niệm 55 năm Ngày mất Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ngày đăng: 27/08/2024
Tăng cường công tác quản lý, hạch toán tài sản công - Ngày đăng: 21/08/2024
Chào mừng Kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2024) và Quốc khánh 2/9 (2/9/1945 - 2/9/2024). - Ngày đăng: 19/08/2024
Thủ tướng: Phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua khen thưởng là một sức mạnh nội sinh. - Ngày đăng: 16/08/2024
Tháng Tám mùa thu - Tháng Tám lịch sử - Ngày đăng: 12/08/2024
Sở Tài chính dâng hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sỹ tại Vị Xuyên nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024) - Ngày đăng: 16/07/2024
Những điều cần biết và cách phòng tránh Bệnh bạch hầu - Ngày đăng: 10/07/2024
Tham gia sử dụng kênh Zalo OA của Bộ Nội vụ để nắm được các thông tin về cơ chế, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công chức, viên chức; tổ chức biên chế; chính quyền địa phương; tiền lương; cải cách hành chính… - Ngày đăng: 07/07/2024
NÉT ĐẸP VĂN HÓA GIA ĐÌNH TRONG VĂN HÓA, ĐẠO ĐỨC CÔNG VỤ CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG - Ngày đăng: 26/06/2024

Tổng số: 19 | Trang: 1 trên tổng số 2 trang  

Đang trực tuyến: 49 Lượt truy cập: 1.028.881