Nội dung này nằm trong khuôn khổ Hội nghị tập huấn thực hiện tổng kiểm kê tài sản công của Bộ Tài chính và triển khai quy định của pháp luật trong lĩnh vực tài sản công cho các đơn vị trong ngành Tài chính, thuộc các tình, thành phố phía Bắc (các tỉnh Thừa Thiên Huế trở ra).
Nhiều quy định mới được sửa đổi, bổ sung
Nghị định số 114/2024/NĐ-CP (Nghị định 114) có hiệu lực thi hành từ ngày 30/10/2024 có nhiều quy định mới, thay đổi so với quy định tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP với những nội dung có liên quan đến thẩm quyền, phương thức khai thác tài sản tại cơ quan, đơn vị; Đề án cho thuê, liên doanh liên kết tại đơn vị sự nghiệp công lập, mua sắm tập trung...
Bà Tạ Thanh Tú - Phó Cục trưởng Cục Kế hoạch tài chính, Bộ Tài chính. Nguồn ảnh: Thời báo Tài chính Việt Nam. Nguồn: thoibaotaichinhvietnam.vn
Theo Bộ Tài chính, đây là những nội dung liên quan trực tiếp đến các đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản của bộ, nên cần kịp thời phổ biến, quán triệt triển khai trong nội bộ ngành Tài chính.
Bà Lê Thị Ngọc Lan - Phó Chánh Văn phòng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính cho biết, Nghị định số 114 sửa đổi khá nhiều với 52 Điều; bổ sung 15 Điều; bãi bỏ 2 Điều của Nghị định số 151; đặc biệt bãi bỏ Khoản 5 Điều 12 Nghị định 152/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp.
Đồng thời, Nghị định 114 cũng bổ sung nhiều nội dung mới quy định vòng đời của một tài sản từ khi hình thành, sử dụng đến khi kết thúc, đều được sửa đổi, cập nhật để đáp ứng tình hình thực tiễn.
Nghị định 114 đã làm rõ những tài sản không thuộc phạm vi điều chỉnh tại Nghị định như: tài sản kết cấu hạ tầng; tài sản hình thành thông qua triển khai nhiệm vụ khoa học công nghệ sử dụng vốn nhà nước; tài nguyên; việc sử dụng đất quốc phòng an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế; việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án; việc chuyển giao tài sản công là công trình điện sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)...
Nghị định cũng bổ sung quy định để phân định các trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị; trường hợp khai thác tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập đối với tài sản phụ trợ, hỗ trợ trực tiếp cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị; trường hợp sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết phải lập Đề án.
Không phải ban hành quyết định mua sắm, thuê tài sản
Các đại biểu tham dự hội nghị. Nguồn ảnh: Thời báo Tài chính Việt Nam. Nguồn: thoibaotaichinhviet nam.vn
Về quy định về mua sắm, thuê tài sản phục vụ hoạt động cơ quan nhà nước, bà Lan cho biết, tại Nghị định 114 đã cho phép các cơ quan, tổ chức, đơn vị không phải ban hành quyết định mua sắm, thuê tài sản nữa. Thay vào đó, căn cứ phạm vi dự toán ngân sách được giao và nguồn kinh phí được phép sử dụng, cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức thực hiện mua sắm, thuê tài sản theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Đồng thời, việc mua sắm, thuê tài sản này không bao gồm mua sắm, thuê dịch vụ công nghệ thông tin và các dịch vụ khác.
Về thẩm quyền quyết định việc mua sắm, thuê tài sản, Nghị định 114 quy định, trường hợp phải lập thành dự án thì thẩm quyền, trình tự, thủ tục quyết định mua sắm tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật khác có liên quan.
Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương, HĐND cấp tỉnh quy định thẩm quyền quyết định mua sắm, thuê tài sản phục vụ hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của mình.
Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) loại 1 - ĐVSNCL tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư và loại 2 - ĐVSNCL tự bảo đảm chi thường xuyên quyết định mua sắm tài sản, thuê tài sản.
Về mua sắm, quản lý vật tiêu hao như nguyên nhiên liệu, thuốc, sinh phẩm, vật tư, vật liệu, văn phòng phẩm và các vật khác khi đã qua 1 lần sử dụng thì mất đi hoặc không giữ được tính chất, hình dáng và tính năng sử dụng ban đầu.
Đối với lĩnh vực này, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương, HĐND cấp tỉnh quy định thẩm quyền quyết định mua sắm. Đồng thời người đứng đầu ĐVSCCL loại 1, loại 2 quyết định mua sắm vật liệu tiêu hao phục vụ hoạt động của đơn vị mình. Căn cứ nhu cầu sử dụng, phạm vi dự toán ngân sách được giao và nguồn kinh phí được phép sử dụng, cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện mua sắm theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Đặc biệt, về xử lý vật tiêu hao, Nghị định 114 quy định, vật tiêu hao bị mất đi trong quá trình sử dụng thì không phải xử lý. Đối với vật tiêu hao không bị mất đi trong quá trình sử dụng sẽ được xử lý bằng hình thức hủy bỏ khi hết hạn hoặc giá trị sử dụng…
Nguồn: thoibaotaichinhvietnam.vn