TIN TÀI CHÍNH - NGÂN SÁCH
Cập nhật lúc Thứ Tư, ngày 17 tháng 6 năm 2020 - 09:30 (GMT+7)
Bội chi, nợ công đảm bảo kế hoạch 5 năm trong 2 kịch bản GDP

Chiều 15/6, tại hội trường Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã có phát biểu giải trình về nhiều vấn đề các đại biểu nêu liên quan đến điều hành ngân sách nhà nước (NSNN). Theo đó, Bộ trưởng khẳng định, với những nỗ lực, kết quả đạt được suốt thời gian qua, dự kiến bội chi NSNN bình quân 5 năm vẫn dưới 3,9% GDP, nợ công vẫn dưới 65% GDP trong cả hai kịch bản tăng trưởng năm 2020, đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 25 của Quốc hội.

Quyết toán NSNN 2018: Bội chi, nợ công giảm mạnh

Về quyết toán NSNN năm 2018, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết tình hình thu, chi NSNN đạt những kết quả tích cực, từng bước cơ cấu lại theo hướng bền vững, phù hợp với các Nghị quyết của TW, Bộ Chính trị và Quốc hội, thu NSNN vượt dự toán, chi NS được quản lý chặt chẽ, bội chi và nợ công giảm mạnh, từ đó giúp củng cố an ninh tài chính quốc gia, tạo thêm dư địa giúp chúng ta có khả năng chống đỡ tốt hơn trước các tác động từ bên ngoài như đại dịch Covid-19 vừa qua.

Trả lời đại biểu Mai Sỹ Diến về ý kiến liên quan đến tính bền vững và xây dựng chỉ tiêu dự toán thu NSNN của các địa phương, Bộ trưởng thừa nhận thời gian qua dù thu NSNN hằng năm đều vượt dự toán, song một số khoản thu từ sản xuất, kinh doanh khó khăn, và năm 2018 không đạt dự toán, trong khi khoản thu từ đất vượt lớn. Thực tế này là do cả nguyên nhân chủ quan là dự toán thu cao hơn khả năng thực tế và do khách quan là hoạt động sản xuất, kinh doanh của một bộ phận DN còn khó khăn.

Về thu tiền sử dụng đất, quan điểm của Bộ Tài chính là dự toán giao sát với số đăng ký của các địa phương, đồng thời, khuyến khích các địa phương đẩy mạnh việc cho thuê đất thu tiền hằng năm, thay vì thu một lần. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nêu rõ đây là khoản thu phụ thuộc vào thị trường và điều hành của địa phương... Ví dụ như Thanh Hoá, dự toán thu tiền sử dụng đất năm 2018 là 2.500 tỷ đồng, trong khi thực tế địa phương thu 5.944 tỷ đồng, bằng 237,8% so với dự toán.

Về việc xây dựng dự toán thu ngân sách của một số địa phương thấp hơn thực hiện năm 2017, Bộ trưởng cho biết về tổng thể dự toán thu NSNN năm 2018, nếu không kể các khoản thu từ dầu thô, tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết, cổ tức, lợi nhuận còn lại, thì thu từ sản xuất kinh doanh tăng 12,5% so thực hiện năm 2017, cao hơn GDP và lạm phát cộng là 11%.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng chia sẻ, để giao sát dự toán thu cho từng địa phương thực sự rất khó khăn. Nhiều địa phương có những nguồn thu đặc thù, phụ thuộc vào một số DN lớn trên địa bàn như thủy điện, rượu, bia, thuốc lá, ô tô, lọc dầu,... Hơn nữa, dự toán năm sau được xây dựng trên cơ sở ước thực hiện năm hiện hành, nhưng số ước này thường được đưa ra từ tháng 7 năm trước. Vì vậy, có thể số ước này cũng không sát với thực tế thực hiện cuối năm. Thời gian qua, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan thuế, hải quan xây dựng, cập nhật hệ thống thông tin về cơ sở thuế để khi tính toán dự toán thu với các địa phương được sát hơn.

Nợ đọng thuế giảm cả về số tuyệt đối và tương đối

Liên quan đến tình hình nợ đọng thuế, lãnh đạo ngành Tài chính cho biết, nợ đọng thuế năm 2018 đã giảm cả về số tuyệt đối và tỷ lệ so với tổng thu NSNN. Trong đó riêng số nợ thuế có khả năng thu giảm từ 45 nghìn tỷ năm 2017 xuống 38,75 nghìn tỷ năm 2018, tương ứng giảm 14%. Số nợ thuế không có khả năng thu hồi đến cuối năm 2018 tăng 5 nghìn tỷ đồng so cuối năm 2017, chiếm 49,2% tổng nợ. Đây là các khoản nợ thuế của các đối tượng đã chết, mất tích, DN giải thể, phá sản không còn tài sản để thu hồi..., nhưng chưa được xóa nợ, vẫn phải theo dõi và tính phạt chậm nộp (0,03%/ngày), nên số nợ này ngày càng tăng.

Trước thực trạng này, Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 94/2019/QH14 về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp NS. Hiện Bộ Tài chính đang khẩn trương tổ chức triển khai Nghị quyết này. Theo đó, dự kiến cuối năm 2020 số nợ thuế sẽ giảm mạnh, phản ánh đúng bản chất của số nợ thuế, minh bạch trong quản lý thu thuế.

Bên cạnh vấn đề thu, Bộ trưởng cũng báo cáo tình hình chi NSNN đã được kiểm soát chặt chẽ hơn, được tập trung cơ cấu lại, gắn với việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới đơn vị sự nghiệp công, phù hợp với các Nghị quyết của TW, Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 25 của Quốc hội.

Tỷ lệ chi cho giáo dục và KHCN được đảm bảo

Đối với vấn đề đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) nêu về tỷ lệ chi cho giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ, Bộ trưởng nêu rõ số liệu chi nêu trong báo cáo quyết toán của Chính phủ chỉ bao gồm số chi thường xuyên, chưa bao gồm chi đầu tư cho các lĩnh vực này.

Tỷ lệ chi dành cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ trong tổng chi NSNN cơ bản đảm bảo trong những năm qua, đáp ứng các nhiệm vụ quan trọng của ngành. Qua quyết toán cho thấy, nhiều địa phương đã tăng chi thêm cho lĩnh vực này so với dự toán Quốc hội quyết định.

Về việc chi chuyển nguồn năm 2018 còn lớn mà đại biểu Mai Sỹ Diến nêu, Bộ trưởng giải thích số tăng chi chuyển nguồn so với năm 2017 chủ yếu là do chuyển nguồn tăng thu năm 2018, kinh phí các địa phương phải dành tạo nguồn cải cách tiền lương,... được chuyển nguồn theo quy định của Luật NSNN. Loại trừ các khoản chuyển nguồn theo cơ chế, chính sách, số còn lại do triển khai chậm, tỷ lệ so với tổng chi NSNN xấp xỉ so với năm trước.

Từ những kết quả trên, bội chi NSNN năm 2018 giảm so với dự toán cả về số tuyệt đối và tương đối, thể hiện sự nỗ lực của Chính phủ trong điều hành.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thanh Thuỷ (Hậu Giang) cũng nêu ý kiến băn khoăn về bội chi ngân sách địa phương (NSĐP). Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, quyết toán năm 2018 chỉ có 8/31 địa phương có bội chi với tổng bội chi là 838,9 tỷ đồng. Sau khi bù trừ 6.300 tỷ đồng của các địa phương có bội thu thì về tổng thể năm 2018 NSĐP không có bội chi. Mặt khác, số bội chi của 8 địa phương đều nằm trong mức bội chi đã được Quốc hội quyết định cho từng địa phương. Như vậy, quản lý bội chi của địa phương là rất tốt.

Trong thảo luận tại Quốc hội, một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là kỷ luật, kỷ cương tài chính. Mặc dù đánh giá thời gian qua đã có nhiều chuyển biến trong lĩnh vực này, song Bộ trưởng cũng nhìn nhận, đúng như đại biểu nêu, tình trạng chấp hành kỷ luật quản lý đầu tư, sử dụng đất đai, tài sản công, tài chính NSNN “ở nhiều nơi, nhiều chỗ còn chưa nghiêm, kể cả ở Trung ương và các địa phương”.

Năm 2018, ngành Tài chính đã thực hiện gần 99 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra; kiến nghị xử lý tài chính 64,7 nghìn tỷ đồng; trong đó, thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế xử lý tăng thu ngân sách gần 18 nghìn tỷ; giảm lỗ 37,4 nghìn tỷ đồng. Đây là một kết quả rất cao của riêng thanh tra kiểm tra của ngành Tài chính, theo Bộ trưởng. Cùng với đó, thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, đôn đốc để dần nâng cao tỷ lệ thực hiện các kiến nghị cơ quan thanh tra, kiểm toán.

Khoảng 200 nghìn tỷ đồng thuế, phí, lệ phí được miễn, giãn, giảm

Đối với các giải pháp điều hành NSNN năm 2020, do tác động của tình hình thiên tai, dịch bệnh, tình hình kinh tế xã hội và thu, chi, cân đối NSNN năm 2020 đã bị ảnh hưởng lớn. Trước tình hình này, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng phương án điều hành; đề xuất các giải pháp về tài khóa để ứng phó với tác động của dịch bệnh, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội.

Theo đó, về ngân sách, đã đề xuất miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp các loại thuế, phí, lệ phí khoảng 200 nghìn tỷ đồng, bao gồm: thực hiện gia hạn 5 tháng tiền thuế và tiền thuê đất cho các DN và hộ kinh doanh; Miễn thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng vật tư và thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch Covid-19, vật tư, nguyên liệu đầu vào của các DN da giày, dệt may, chế biến nông, lâm, sản, thủy sản, cơ khí, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp ô tô; Trình UBTVQH nâng mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân cho bản thân người nộp thuế và người phụ thuộc; Trình Quốc hội xem xét giảm 30% số thuế thu nhập DN phải nộp năm 2020 đối với DN có quy mô nhỏ; Trình UBTVQH điều chỉnh giảm 30% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay áp dụng đến hết năm 2020; Trình giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020… Đồng thời, Bộ Tài chính cũng phối hợp với các bộ, ngành rà soát cắt giảm nhiều loại phí, lệ phí cho DN và người dân.

Về chi NSNN, bên cạnh việc phải đảm bảo dự toán chi đầu tư năm 2020, NSNN còn phải bố trí nguồn tăng chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và thực hiện chính sách hỗ trợ cho người dân theo Nghị quyết số 42 của Chính phủ. Đồng thời, chủ động tăng cường dự trữ quốc gia, hỗ trợ kịp thời người dân ở những khu vực khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo không ai bị đói.

Mặc dù đến nay chúng ta đã cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19, song Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng diễn biến thế giới còn rất phức tạp. Tác động của đại dịch này tới nền kinh tế Việt Nam là rất nghiêm trọng và có thể kéo dài.

Trên cơ sở kịch bản tăng trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư trình Chính phủ, Quốc hội, Bộ Tài chính đã đưa ra các kịch bản đánh giá tác động đến cân đối NSNN. “Đến nay, kết quả thu ngân sách 5 tháng mới đạt 38,2% dự toán, giảm 9,2% so cùng kỳ và là mức rất thấp từ năm 2014 đến nay. Dự báo, thu NSNN năm 2020 sẽ không đạt dự toán. Theo Luật NSNN, trường hợp thu ngân sách không đạt dự toán, các cấp ngân sách phải rà soát, sắp xếp lại các nhiệm vụ chi”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng báo cáo trước Quốc hội.

Với việc thực hiện quyết liệt các giải pháp điều hành, Bộ Tài chính dự kiến trường hợp tăng trưởng GDP khoảng 4,5% thì bội chi khoảng 4,73% GDP, tương ứng tăng 75 nghìn tỷ đồng so với dự toán và tỷ lệ nợ công khoảng 55,5% GDP. Với trường hợp tăng trưởng GDP khoảng 3,6%, bội chi NSNN sẽ khoảng 5,02% GDP, tương ứng tăng 90 nghìn tỷ đồng so với dự toán và nợ công khoảng 56,4% GDP.

“Tuy nhiên, với cả 2 kịch bản GDP này, dự kiến bội chi NSNN bình quân 5 năm vẫn nhỏ hơn 3,9% và nợ công vẫn dưới 65% GDP, đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 25 của Quốc hội”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định.

Triển khai hiệu quả các giải pháp tài khoá hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Từ nay đến cuối năm, trước tình hình sản xuất kinh doanh và cân đối ngân sách còn khó khăn, lãnh đạo ngành Tài chính nhấn mạnh một số giải pháp cần tập trung.

Theo đó, triển khai có hiệu quả các giải pháp tài khóa hỗ trợ sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần khôi phục sản xuất, kinh doanh của DN, đảm bảo nhịp sống sinh hoạt bình thường của người dân, trong khi vẫn phải tiếp tục cảnh giác cao với dịch bệnh.

Đẩy mạnh các giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, thu hồi nợ thuế, phấn đấu thu NSNN đạt mức cao nhất.

Yêu cầu các bộ, ngành, địa phương điều hành chi NSNN chặt chẽ, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên; rà soát để cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, công tác phí trong và ngoài nước và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2020, đặc biệt là các khoản chi mua sắm chưa thực sự cần thiết.

Đẩy nhanh giải ngân, phấn đấu giải ngân hết số vốn kế hoạch đầu tư công năm 2020. Đồng thời tranh thủ, đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, để hỗ trợ tăng trưởng của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, các địa phương chủ động sử dụng dự phòng, dự trữ, nguồn tăng thu năm 2019 chuyển sang năm 2020 và nguồn lực tại chỗ để chi phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, thực hiện các chính sách đảm bảo an sinh xã hội, an toàn trật tự trên địa bàn và các nhiệm vụ chi cấp thiết phát sinh theo chế độ và hỗ trợ trong trường hợp bị hụt thu. Rà soát, cắt giảm, giãn các nhiệm vụ chi chưa thật cần thiết để đảm bảo cân đối NSĐP.

Mở tờ khai lúc 0 giờ, Hải quan đã thực hiện đúng quy định

Ngoài vấn đề điều hành NSNN, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng giải thích thêm về công tác quản lý hoạt động xuất khẩu, cụ thể là xuất khẩu gạo thời gian vừa qua mà nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm.

Từ góc độ của Bộ Tài chính, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết việc xuất khẩu gạo thực hiện theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP, theo đó, ngoài bộ hồ sơ hải quan theo quy định, người khai hải quan phải nộp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Theo Luật Hải quan, Điều 29 quy định: "Khai hải quan được thực hiện theo phương thức điện tử, trừ trường hợp người khai hải quan được khai trên tờ khai hải quan giấy theo quy định của Chính phủ" và Điều 25 quy định: "Tờ khai hải quan có giá trị làm thủ tục hải quan trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày đăng ký". Còn tại Nghị định số 08/2015/NĐ-CP, Điều 26 quy định: "Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan tiếp nhận, kiểm tra, đăng ký, xử lý tờ khai hải quan 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần".

Căn cứ các quy định trên, để tạo thuận lợi cho DN xuất nhập khẩu trong giao dịch với các đối tác nước ngoài ở nhiều múi giờ khác nhau trên thế giới, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan hải quan xây dựng Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan (VNACCS/VCIS) cho phép người khai hải quan được đăng ký tờ khai hải quan 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần. "Đây là nỗ lực của cả hệ thống, được các tổ chức trong nước và nước ngoài đánh giá cao, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam", lãnh đạo ngành Tài chính cho biết.

Từ khi hệ thống VNACCS/VCIS đi vào hoạt động, các chính sách quản lý được nạp vào hệ thống trước thời điểm 0g00 sẽ được hệ thống tự động áp dụng từ 0g00 ngày tiếp theo, ví dụ biểu thuế suất; tiêu chí quản lý rủi ro; danh sách DN cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu... Như vậy, đối với DN xuất khẩu, thì thời điểm áp dụng 0 giờ không còn là điều xa lạ.

Do đó, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định, cơ quan hải quan thực hiện theo quy định của pháp luật và theo các hướng dẫn, yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước. Ngày 11/4, cơ quan hải quan cho xuất khẩu gạo tiếp hạn ngạch 400.000 tấn theo quyết định của Bộ Công thương.

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng cho biết thời gian qua, ngành hải quan đã liên tục nỗ lực thực hiện cải cách. Đồng thời, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, ngành đã tăng cường kiểm tra kiểm soát nội bộ, xử lý nghiêm các sai phạm, thực hiện tốt các kết luận của Thanh tra, kiểm tra...

                                                                                                                                    Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính

 

 


In
Về đầu
Đề xuất quản lý giá thuốc khác với quy định tại Luật Giá - Ngày đăng: 17/04/2024
ĐOÀN KẾT, NGUYÊN TẮC CHỦ ĐỘNG, LINH HOẠT VÀ CHẤT LƯỢNG ĐỂ THỰC HIỆN THẮNG LỢI TOÀN DIỆN NHIỆM VỤ TÀI CHÍNH NGÂN SÁCH ĐƯỢC GIAO TRONG NĂM 2024 - Ngày đăng: 11/01/2024
Tài chính tổ chức Hội nghị tập huấn công tác quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công - Ngày đăng: 28/09/2023
Quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ tài chính ngân sách năm 2023 và mục tiêu Nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 - Ngày đăng: 24/07/2023
Chi bộ Vụ Ngân sách Nhà nước Bộ Tài chính tổ chức sinh hoạt chính trị về nguồn tại tỉnh Tuyên Quang - Ngày đăng: 24/04/2023
Sở Tài chính tổ chức Hội nghị giao ban quý IV năm 2022 - Ngày đăng: 07/10/2022
Sở Tài chính tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ và giải pháp 6 tháng cuối năm 2021; Hội nghị giao ban quý III năm 2021 - Ngày đăng: 06/07/2021
Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2020, triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2021 - Ngày đăng: 09/01/2021
Cơ chế chính sách về trái phiếu doanh nghiệp ngày càng hoàn thiện - Ngày đăng: 21/09/2020
Chuyển biến tích cực trong giải ngân vốn đầu tư công - Ngày đăng: 23/08/2020

Tổng số: 28 | Trang: 1 trên tổng số 3 trang  

Đang trực tuyến: 7 Lượt truy cập: 816.329