CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH - PBGD PHÁP LUẬT
Cập nhật lúc Thứ Hai, ngày 22 tháng 4 năm 2024 - 17:05 (GMT+7)
Đổi mới kiểm soát chi từ kho bạc điện tử sang kho bạc số

Công tác kiểm soát chi của Kho bạc Nhà nước đã có nhiều cải cách, hiện đại từ khi trở thành kho bạc điện tử. Tuy nhiên, với mục tiêu trở thành kho bạc số vào năm 2030, công tác kiểm soát chi đòi hỏi phải tiếp tục được cải cách, hiện đại hóa nhiều hơn nữa.

 

Nguồn: Kho bạc Nhà nước Đồ họa: Văn Chung

Đơn giản hóa cơ chế, hiện đại hóa nghiệp vụ

Trở thành kho bạc điện tử, công tác kiểm soát chi (KSC) của kho bạc Nhà nước (KBNN) đã có nhiều cải cách rõ rệt.

Cải cách rõ rệt nhất chính là về cơ chế, chính sách. Cụ thể, Chính phủ ban hành Nghị định số 11/2020/NĐ-CP quy định thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực kho bạc. Theo đó, các thủ tục đã được đơn giản hóa rất nhiều. Cùng với đó, trách nhiệm của các chủ thể tham gia vào quy trình chi ngân sách cũng được phân định rõ, từ đơn vị sử dụng ngân sách (ĐVSDNS), chủ đầu tư, KBNN.

Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đổi mới

Để thực hiện thành công các mục tiêu trong cải cách công tác kiểm soát chi (KSC) thì con người là yếu tố quyết định. KBNN đặt ra mục tiêu trong thời gian tới sẽ thực hiện đào tạo các lớp nghiệp vụ KSC và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác KSC cho đội ngũ công chức làm KSC trong toàn hệ thống.

Về nghiệp vụ KSC, các khoản chi ngân sách nhà nước (NSNN) đã được kiểm soát theo ngưỡng. Cụ thể, KBNN thực hiện kiểm soát các khoản chi có hợp đồng và có giá trị hợp đồng hơn 50 triệu đồng; thực hiện kiểm soát nội dung chi đối với những khoản chi dưới ngưỡng 50 triệu đồng. Đồng thời, KBNN đã linh hoạt thực hiện 2 phương thức thanh toán đó là, “thanh toán trước, kiểm soát sau” đối với hợp đồng thanh toán nhiều lần; khi hợp đồng được thanh toán đến 80% giá trị được chuyển sang hình thức “kiểm soát trước, thanh toán sau”. Nhờ đó đã giảm được 70% tổng số món chi nhưng vẫn kiểm soát được 99% tổng giá trị chi NSNN.

Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) được KBNN triển khai diện rộng từ năm 2018, đến nay, gần 100% hồ sơ, chứng từ giao dịch được thực hiện trên môi trường điện tử đã góp phần rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ của KBNN từ 1 - 3 ngày làm việc. Đối với hình thức “thanh toán trước, kiểm soát sau” chỉ còn 1 ngày làm việc. Tính đến hết năm 2023,hệ thống DVCTT của KBNN đã được kết nối liên thông với phần mềm kế toán của gần 25% tổng số đơn vị sử dụng ngân sách trong cả nước.

Một số khoản chi thường xuyên có tính chất định kỳ như điện, nước, viễn thông đã được KBNN thực hiện thanh toán tự động theo ủy quyền của đơn vị sử dụng ngân sách (ĐVSDNS). Quy trình thanh toán tự động hóa hoàn toàn, không có sự can thiệp của con người nên đã giúp các ĐVSDNS tiết kiệm thời gian, chi phí, nhân lực kiểm soát hồ sơ, công chức kho bạc giảm áp lực tiếp nhận, xử lý trên DVCTT, có thêm thời gian kiểm soát các hồ sơ có tính phức tạp hơn.

Đổi mới kiểm soát chi phù hợp với kho bạc số

Ảnh minh họa.

Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030 đã đề ra yêu cầu cho công tác KSC là thống nhất đầu mối, quy trình và số hóa công tác kiểm soát, thanh toán các khoản chi NSNN qua KBNN; đổi mới cơ chế quản lý cam kết chi NSNN; cung cấp đầy đủ thông tin cam kết chi NSNN phục vụ cho việc lập, phân bổ và thực hiện kế hoạch ngân sách trung hạn, hàng năm theo thông lệ quốc tế…

Để thực hiện thành công chiến lược phát triển, KBNN cũng đưa ra những lộ trình cụ thể để thực hiện, trong đó có lộ trình đổi mới nghiệp vụ KSC.

Theo đó, để đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin cam kết chi NSNN phục vụ cho việc lập, phân bổ và thực hiện kế hoạch ngân sách trung hạn, hàng năm theo thông lệ quốc tế, trong thời gian tới đấy, KBNN sẽ thực hiện nâng cấp hạ tầng truyền thông đảm bảo kết nối thông suốt, ổn định song song với việc đẩy nhanh lộ trình số hóa hồ sơ, chứng từ; thực hiện chia sẻ và liên thống dữ liệu số toàn trình.

Trong đó, hệ thống thông tin và quản lý ngân sách cùng với kế toán nhà nước số đóng vai trò là hệ thống lõi; có sự kết nối, liên thông và chia sẻ dữ liệu với hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và các hệ thống khác có liên quan NSNN, đảm bảo hiệu quả, công khai, minh bạch trong quản lý và sử dụng NSNN.

Đồng thời, KBNN cũng đổi mới phương thức KSC NSNN theo hướng chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, gắn với việc tăng cường phân cấp, giao trách nhiệm giải trình cho ĐVSDNS và tương ứng với mức độ phát triển chức năng kiểm toán nội bộ tại các bộ, ngành, địa phương; đi đôi với kiểm soát rủi ro, tăng cường thanh tra, kiểm tra các trường hợp có dấu hiệu vi phạm.

Tuy nhiên, thách thức đặt ra đối với hệ thống KBNN hiện nay là phạm vi hoạt động nghiệp vụ rộng, liên quan đến tất cả các bộ, ngành, địa phương. Vì thế, để số hóa các hoạt động nghiệp vụ hướng tới kho bạc số rất cần sự phối hợp nhịp nhàng của tất cả các đơn vị liên quan. Trong khi đó, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số về chuyển đổi số còn rất hạn chế. Thêm vào đó, mặt bằng dân trí giữa các khu vực còn chưa đồng đều và thiếu các yếu tố về công nghệ, phương tiện, kỹ thuật.

Để khắc phục những khó khăn này, KBNN cũng đang yêu cầu các cấp ngân sách tại địa phương có giải pháp tuyên truyền, giáo dục để nâng cao dân trí, giảm bớt khoảng cách về khả năng, cơ hội tiếp cận công nghệ thông tin hiện đại nhằm tạo nền tảng tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng các phương thức thanh toán điện tử trong chi trả NSNN cho các đối tượng thụ hưởng là đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số./.

Nguồn thoibaotaichinhvietnam.vn


In
Về đầu

Đang trực tuyến: 10 Lượt truy cập: 817.162