THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN
Cập nhật lúc Thứ Ba, ngày 7 tháng 5 năm 2024 - 17:45 (GMT+7)
Chiến dịch Điện Biên Phủ: Ngày 07/5/1954, bắt sống tướng De Castries, Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ toàn thắng

Chiến dịch Điện Biên Phủ: 17 giờ 30 phút ngày 07/5/1954, nhiều toán địch ra hàng. Những đốm cờ trắng xuất hiện ở Mường Thanh mỗi lúc một nhiều. Đại đoàn 312 báo cáo lên: "Toàn bộ quân địch tại khu Trung tâm đã đầu hàng và đã bắt được tướng De Castries".

4 giờ sáng ngày 7/5/1954, Trung đoàn 174 hoàn toàn làm chủ đồi A1 (Eliane 2).

4 giờ ngày 7/5/1954, Tiểu đoàn dù 1 của địch chỉ còn lại 34 lính dù. Đại úy Pouget chỉ huy tiểu đoàn gọi bộ đàm một lần nữa cho Mường Thanh, yêu cầu phải tăng viện ngay một đại đội nếu không cứ điểm sẽ bị tràn ngập. Ở đầu dây là Tham mưu trưởng Vadot: "Hãy biết điều một chút. Ông muốn tôi tìm đâu ra một đại đội. Tất cả đều không còn gì..."

Ảnh 1: Bộ đội ta tấn công các vị trí xung yếu của địch trên đồi A1. Ảnh 2: Ta dùng lực lượng nhỏ vây ép đánh lấn, cuộc chiến đấu ác liệt trên khu vực đồi C. Ảnh 3: Cuộc chiến đấu ác liệt trên khu vực đồi C. Ảnh 4: Ta tập trung ưu thế binh - hỏa lực đánh chiếm các cao điểm phía Đông. Ảnh tư liệu: TTXVN 

Langlais đã dồn vào đây tất cả những gì còn lại của Tiểu đoàn dù 6 ở phía Tây. Trung đoàn 102 của Đại đoàn 308 chiếm xong cứ điểm 311 đưa trận địa tiến công của đại đoàn vào cách Sở chỉ huy De Castries khoảng 300m.

Trước khi trời sáng, trận đánh kết thúc. Trong đêm, ở phía Đông, Trung đoàn 165 của Đại đoàn 312 đã tiêu diệt cứ điểm 506, cứ điểm rất quan trọng nằm bên đường 41 chạy tới Sở chỉ huy của De Castries. Sáng 7/5/1954, lá cờ "Quyết chiến, Quyết thắng" tung bay trên cao điểm A1 báo hiệu giờ tàn của tập đoàn cứ điểm.

Tình cảnh khốn quẫn của quân Pháp

7 giờ 30 phút, pháo ta vừa ngừng chế áp, Tiểu đoàn 215 và Đại đội 138 thuộc Tiểu đoàn 375 chia làm ba mũi xung phong lên đồi C2. Quân ta lần lượt đánh chiếm từng mục tiêu. 9 giờ 30 phút, bộ đội ta hoàn toàn làm chủ đồi C2. Bộ chỉ huy khu Đông và một số đông sĩ quan dù tập trung tại đây cùng với hàng trăm thương binh đều bị bắt sống.

Tại Mường Thanh, 12 giờ, Langlais triệu tập cuộc họp các chỉ huy tiểu đoàn. Lần này vắng mặt những người chỉ huy dù. Theo kế hoạch, cuộc phá vây sẽ thực hiện vào lúc 20 giờ ngày hôm nay.

Những chỉ huy quân Pháp tại Điện Biên Phủ, năm 1954. Ảnh tư liệu

Như thường lệ, một chiếc Corsair F4U của không lực hải quân bay sát tập đoàn cứ điểm ném xuống một túi văn thư, trong đó là những bức ảnh máy bay vừa chụp được. Langlais và Bigeard chăm chú nhìn những tấm ảnh thì thấy con đường cách đây 3 ngày còn để ngỏ phía Nam đã bị ba đường hào của quân ta cắt ngang. Bigeard lẩm bẩm: Sẽ phải mở "một con đường máu". Chỉ huy các tiểu đoàn lần lượt báo cáo đơn vị mình không ở trong trạng thái thực hiện một cuộc phá vây mà họ tin là khó sống sót. Những người dự họp đều nhận thấy, dù có hy sinh phần lớn quân rút chạy, cũng khó giúp cho một nhóm người thoát khỏi thung lũng.

Binh sĩ Pháp bị thương được di chuyển về tuyến sau. Ảnh: Getty Images.

Cuộc tiến công của những người lính kiệt sức nhằm vào những vị trí được đối phương bảo vệ vững chắc, sẽ là một hành động tự sát. Vấn đề thực hiện kế hoạch Albatros không còn được đặt ra. Và mọi người cũng thấy không nên tiếp tục cầm cự thêm một đêm với cái giá phải trả từ 300 đến 500 người. Những người ngồi đây chưa biết tình hình bên ngoài đang biến chuyển rất nhanh.

Hiệu lệnh tổng tiến công

Đúng 3 giờ chiều, các đại đoàn được lệnh: "Không cần đợi trời tối, lập tức mở cuộc tổng công kích vào Mường Thanh. Đơn vị phía Đông đánh thẳng vào khu vực trung tâm, đơn vị phía Tây giáp công sang, cùng tiến vào Sở chỉ huy của địch. Phải đánh thật mạnh, bao vây thật chặt, không để cho De Castries hoặc bất cứ tên địch nào chạy thoát".

Bộ đội ta vượt qua cầu Mường Thanh, tấn công vào sào huyệt cuối cùng của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu: TTXVN

Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật lập tức dẫn Đại đội 360 luồn dưới làn đạn của những khẩu trọng liên 4 nòng, băng qua cầu Mường Thanh. Nhận thấy quân địch hầu như không chống cự, Tạ Quốc Luật cho bộ đội rời giao thông hào và nhảy lên mặt đất, dùng một lính ngụy dẫn theo đường tắt tiến thật nhanh tới Sở chỉ huy của De Castries. Các đài quan sát báo cáo về: Quân ta từ ba phía đang đánh vào khu trung tâm, Đại đoàn 312 từ phía Đông tiến qua cầu Mường Thanh, Đại đoàn 308 từ phía Tây mở đường qua sân bay và từ phía Tây Nam mở đường hướng về Sở chỉ huy của De Castries. Quân địch chỉ chống cự lẻ tẻ.

Bắt sống tướng De Castries, Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ toàn thắng

Trong cuốn Hồi ký "Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử", Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã viết: Bộ Chỉ huy Chiến dịch ra lệnh cho các đơn vị: "Cuộc chiến đấu chưa chấm dứt. Tất cả phải ở vị trí chiến đấu. Không được để một tên địch nào chạy thoát. Lập tức dùng hệ thống loa địch vận kêu gọi và hướng dẫn địch ra hàng. Khẩu hiệu như sau: "Hãy ra hàng! Các anh sẽ được đối đãi tử tế. Cầm cờ trắng, đi ra phải có trật tự. Cấm không được phá hoại vũ khí, đạn dược. Ai còn mang súng, phải chúc đầu súng xuống đất".

Tù binh Pháp ở Điện Biên Phủ kéo cờ trắng ra hàng. Ảnh tư liệu: TTXVN 

17 giờ 30 phút, nhiều toán địch ra hàng. Những đốm cờ trắng xuất hiện ở Mường Thanh mỗi lúc một nhiều. Đại đoàn 312 báo cáo lên: "Toàn bộ quân địch tại khu Trung tâm đã đầu hàng và đã bắt được tướng De Castries".

Đại tướng Võ Nguyên Giáp hồi tưởng lại giây phút lịch sử này: "Tôi hỏi anh Lê Trọng Tấn: Có đúng là đã bắt được De Castries không? Bắt cho được De Castries. Không được để địch đánh tráo tên chỉ huy. Phải đối chiếu nhận dạng với căn cước, kiểm tra cấp hiệu, phù hiệu. Sau khi xác minh kỹ càng, đồng chí Tấn gọi lại báo cáo, khẳng định đúng là đã bắt được De Castries cùng toàn bộ Bộ chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Tôi hỏi lại: Đồng chí đã thực mắt nhìn thấy De Castries chưa? Đồng chí Tấn vui vẻ đáp: Báo cáo anh, De Castries cùng với cả Bộ chỉ huy Pháp ở Điện Biên Phủ đang đứng trước mắt tôi".

Tướng De Castries (đi đầu) cùng toàn bộ Bộ tham mưu Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ra hàng, chiều 7-5-1954. Ảnh tư liệu: TTXVN 

Ở khu vực Hồng Cúm, Đại đoàn 304 dùng loa gọi địch đầu hàng. Chúng lợi dụng trời tối tháo chạy. Ta truy kích đến 24 giờ ngày 7-5 thì bắt sống được toàn bộ quân địch.

Tù binh Pháp ở Điện Biên Phủ được áp giải về tuyến sau. Ảnh tư liệu / TTXVN 

Vậy là sau 56 ngày đêm chiến đấu kiên cường, dũng cảm, sáng tạo, toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ “bất khả chiến bại” đã bị quân và dân ta xóa sổ hoàn toàn, chiến dịch lịch sử đã giành được toàn thắng. Quân đội ta đã thắng, cả dân tộc ta đã thắng. Kế hoạch Navarre đã sụp đổ hoàn toàn!

Các chiến sĩ tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ công kênh Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lễ mừng công ngày 13-5-1954. Ảnh tư liệu 

Ngày 8-5-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư chúc mừng đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ, dân công, thanh niên xung phong ở mặt trận Điện Biên Phủ và đồng bào địa phương. Trong thư Bác viết: “Quân ta đã giải phóng Điện Biên Phủ, Bác và Chính phủ thân ái gửi lời ngợi khen cán bộ, chiến sĩ, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào địa phương đã làm tròn nhiệm vụ một cách vẻ vang.

Thắng lợi tuy lớn nhưng mới là bắt đầu. Chúng ta không nên vì thắng mà kiêu, không nên chủ quan khinh địch. Chúng ta kiên quyết kháng chiến để giành độc lập, thống nhất, dân chủ, hòa bình. Bất kỳ đấu tranh về quân sự hay ngoại giao cũng đều phải trường kỳ gian khổ mới đi đến thắng lợi hoàn toàn...”.

Ngày 7/5/1954, toàn bộ Tập đoàn cứ điểm của địch ở Điện Biên Phủ bị tiêu diệt. Lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries, kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp oanh liệt đầy hy sinh, gian khổ kéo dài suốt 9 năm. Ảnh tư liệu

Có thể nói: Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng của toàn bộ sức mạnh Việt Nam, cả lực lượng vật chất và tinh thần được phát triển đến đỉnh cao trong kháng chiến chống Pháp và biểu hiện một cách trực tiếp trong sức mạnh quân sự Việt Nam để đủ sức đánh bại sức mạnh quân sự của Pháp. Trong đó, sức mạnh tinh thần, “thế trận lòng dân” làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ chính là sức mạnh của lòng dân Việt Nam, là chủ nghĩa yêu nước đã làm nên cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám và tiếp tục là động lực cho cuộc kháng chiến chống Pháp và Điện Biên Phủ.

Điều đó đã cho thấy vì sao Chiến dịch Điện Biên Phủ có quy mô rất lớn, diễn ra trong một thời gian dài, trên một địa bàn rừng núi xa hậu phương, vận tải, tiếp tế rất khó khăn, thời tiết bất lợi, sinh hoạt của bộ đội Việt Nam rất gian khổ và thiếu thốn. Đặc biệt phải chiến đấu với đối thủ có trang bị mạnh, phải đánh trong điều kiện ác liệt, liên tục căng thẳng... vậy mà, quân và dân Việt Nam vẫn một lòng tin tưởng vào thắng lợi, tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt của Chính phủ “Cụ Hồ”; đồng thời cũng phần nào lý giải vì sao người Pháp lại thất bại, người Pháp phải kinh hoàng. Điều mà trong cuộc chiến này, từ Chính phủ Pháp đến những tướng lĩnh cao cấp nhất của họ vẫn chưa thể giải thích được.

Ngày nay, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế đã có thêm nhiều nội dung mới, không chỉ giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, mà còn là bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ an ninh chính trị, an ninh kinh tế, an ninh tư tưởng- văn hóa và an ninh xã hội; giữ vững ổn định chính trị của đất nước, ngăn ngừa, đẩy lùi và làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc mọi thành quả của cách mạng..

                                                                                                                           Nguồn:

  1. Báo Tuyên Quang online;

2. Báo Quân đội nhân dân.


In
Về đầu

Đang trực tuyến: 6 Lượt truy cập: 820.720