DI TÍCH CƠ QUAN BỘ TÀI CHÍNH TẠI XÃ TÚ THỊNH, HUYỆN SƠN DƯƠNG, TUYÊN QUANG (tác giả Quỳnh Chi)
Vào giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp (từ 1947 – 1950), đây là nơi ở và làm việc của Bộ trưởng Bộ Tài chính Lê Văn Hiến cùng cán bộ nhân viên cơ quan Bộ Tài chính trong những tháng ngày gian lao, vất vả nhưng rất đỗi vẻ vang.
Từ Thành phố Tuyên Quang qua cầu Nông Tiến theo quốc lộ 37 (Tuyên Quang- Thái Nguyên) đi khoảng 30 km, đến thị trấn Sơn Dương, từ đây rẽ trái theo đường đi Tân Trào khoảng 3km là đến UBND xã Tú Thịnh, đi tiếp khoảng 3km đến thôn Cầu Bì, sau đó rẽ trái không xa là đến địa điểm di tích cơ quan Bộ Tài chính.
Di tích cơ quan Bộ Tài chính nằm trên một khu đồi, phía Đông giáp cánh đồng lúa Ao Ri, thôn Cầu Bì; phía Tây và phía Bắc giáp suối Ao Ri; phía Nam giáp đồi chè gia đình ông Lương Hải Yến. Trước kia, nơi đây là một khu rừng lim um tùm, rậm rạp, có địa thế kín đáo và rất an toàn.
Nơi ở và làm việc của Bộ trưởng Lê Văn Hiến là ngôi nhà sàn 5 gian 2 chái, có chiều dài khoảng 15m, chiều rộng 7m. Nhà sàn có hai cầu thang ở hai đầu nhà, cột được làm bằng gỗ to tròn, đường kính khoảng 40 cm được kê trên những viên đá tảng, mái lợp lá cọ, phên vách nứa đan nong đôi, sàn nhà được làm bằng tre mai đập dập ghép thành.
Khu nhà ở và làm việc của Văn phòng Bộ Tài chính cách nơi làm việc của Bộ trưởng Lê Văn Hiến khoảng 500m, gần gốc cây thị thôn Cầu Bì. Tại đây, có hai nhà: Một nhà để ở và một nhà để làm việc. Nhà làm việc là nhà sàn 3 gian, chiều dài khoảng 10m, chiều rộng khoảng 5m, bên trong nhà có 2 dãy bàn làm việc được làm bằng tre mai ghép lại, mái nhà lợp bằng lá cọ, phên vách nứa, có hai cầu thang lên xuống ở hai bên đầu hồi. Cách nhà làm việc khoảng 10m là nhà ở của cán bộ, là nhà đất có 3 gian, bên trong có 2 dãy giường bằng tre nứa ghép lại, tuy đơn sơ nhưng vững chắc, an toàn.
Đến cuối năm 1947 tình hình cuộc kháng chiến của ta đã có những chuyển biến tích cực, đặc biệt là từ sau cuộc tấn công và giành thắng lợi của quân và dân ta ở Việt Bắc - Chiến dịch Thu đông năm 1947. Bộ Tài chính và nhiều bộ, ngành khác theo chủ trương của Đảng và Chính phủ tiến hành sắp xếp, kiện toàn lại bộ máy để đáp ứng yêu cầu phục vụ cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp. Thời điểm này, Bộ Tài chính tổ chức sắp xếp lại bộ máy tổ chức các đơn vị thuộc Bộ như: Nha Tín dụng sản xuất, Nha Trực thu, Nha Trước bạ, Nha Ngân khố, Nha Địa chính…
Từ năm 1948, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ, Bộ Tài chính đã tập trung chỉ đạo, điều hành công tác quản lý tài chính Nhà nước dần vào nền nếp và thống nhất. Nhà nước ban hành chế độ thu chi và kế toán đại cương; thành lập Nha Tổng thanh tra Tài chính; thành lập ngân sách toàn quốc; quy định một đơn vị tiền tệ bản vị vàng là đồng Việt Nam... Từ năm 1949, Bộ Tài chính tiếp tục tăng cường chỉ đạo, điều hành hoạt động tài chính đảm bảo phục vụ và đáp ứng kịp thời nhu cầu chi tiêu của cuộc kháng chiến ngày càng lớn và cấp bách.
Đầu năm 1949, cuộc kháng chiến đã được chuyển sang giai đoạn “tích cực cầm cự, chuẩn bị chuyển mạnh sang tổng phản công”. Hoạt động quân sự và tài chính Nhà nước được chuyển dần từ phân tán sang tập trung. Tại thôn Cầu Bì, xã Tú Thịnh, Bộ Tài chính đã tích cực triển khai nhiệm vụ chiến lược mới. Tài chính nhà nước tập trung giải quyết những nhu cầu chi tiêu ngày càng to lớn, cấp bách về lương thực, thực phẩm, quân trang, quân dụng, vũ khí thuốc men... cho lực lượng vũ trang ngày càng lớn mạnh, cho các chiến dịch liên tiếp mở ra như: Lao Hà, Đông Bắc, sông Lô, sông Thao..., cho các chiến dịch chống âm mưu của địch chiếm đóng Trung du, phá hoại mùa màng...
Giai đoạn 1947 - 1950 là giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đầy khó khăn gian khổ. Mặc dù vậy, ngành Tài chính đã nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh giao cho đạt được nhiều thắng lợi, khắc phục được những khó khăn trong kháng chiến, đảm bảo nhu cầu chi tiêu của Nhà nước, góp phần vào thắng lợi của dân tộc. Sống giữa bản làng, trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, từ Bộ trưởng đến cán bộ nhân viên Bộ Tài chính luôn tăng cường mối quan hệ mật thiết với đồng bào các dân tộc.
Cán bộ của Bộ Tài chính đã hướng dẫn đồng bào địa phương tăng gia sản xuất, ăn ở vệ sinh, biết dùng thuốc chữa bệnh... Những việc làm ý nghĩa đó tạo nên tình cảm đẹp, sự gắn kết chặt chẽ giữa cán bộ đối với nhân dân địa phương. Đáp lại những tình cảm thân thiết như những người ruột thịt trong gia đình, nhân dân nơi đây đã đùm bọc,ủng hộ và bảo vệ an toàn cho cán bộ Bộ Tài chính.
Do tình hình chiến sự chuyển biến và nhiệm vụ công tác có những yêu cầu mới, cuối tháng 9/1950, Bộ Tài chính được lệnh chuyển đến địa điểm mới tại thôn Nà Làng, xã Phú Bình, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, sau đó lại tiếp tục chuyển đến làng Cảy, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Trung tuần tháng 10/1954, kháng chiến thắng lợi, Bộ Tài chính cùng nhiều bộ, ban, ngành khác trở về tiếp quản Thủ đô.
Chi tiết cuốn sách tại https://tusach.fph.gov.vn/upload/data/news/16-08-16/2.-cac-di-tich-lich-su-nganh-tai-chinh.pdf?fbclid=IwAR0MtJUIknzimF3xWbqGOYkm9mUOQLI-Clx7ufRuN8X0sakACDmBJ7dWK5c